DNews

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao?

Bích Phương

(Dân trí) - Một buổi trưa tháng 5 trời nóng gay gắt tại TPHCM, Nguyễn Đức chạy chiếc xe máy 3 bánh quen thuộc, tới cuộc hẹn cùng phóng viên Dân trí.

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao?

Người đàn ông 44 tuổi có tác phong nhanh nhẹn, bước đi bằng cặp nạng inox, hồ hởi chào phóng viên. Khi chúng tôi ngỏ ý kéo ghế giúp anh ngồi, Nguyễn Đức từ chối, cười nói: "Không sao, tôi tự làm được".

Nguyễn Đức là người em trong cặp song sinh Việt - Đức, chào đời tại Sa Thầy, Kon Tum vào ngày 25/2/1981. Khi sinh ra, anh em Việt - Đức dính liền vùng bụng chậu, chung đôi chân. Cả hai nhiễm chất độc da cam, bị gia đình bỏ lại trạm xá xã.

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 1

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, thi thoảng Nguyễn Đức trầm ngâm, hồi tưởng lại một vài mẩu ký ức về thời thơ ấu. Sau 35 năm, ca mổ tách rời năm 1988 vẫn là ký ức đeo đẳng người đàn ông 44 tuổi. Việt qua đời năm 2007, còn Đức là người sống sót.

"Tôi vẫn luôn đau đáu về người anh đã mất của mình. Nhiều lúc cuộc đời khó khăn, muốn buông xuôi, nhưng tôi tự nhủ phải cố gắng sống để bù đắp phần của anh Việt", Nguyễn Đức nói.

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 2

"Tôi chết đi sống lại nhiều lần"

Ngoài ca mổ tách rời gây "chấn động" ngành y Việt Nam 35 năm trước, còn câu chuyện nào mà công chúng ít biết về Nguyễn Đức?

- Mọi người nói rất nhiều về ca mổ tách rời tôi và anh Việt năm 1988 nhưng ít ai biết 35 năm qua, tôi chịu đựng rất nhiều ca phẫu thuật lớn nhỏ, lên bàn mổ bao nhiêu đợt. Tôi và anh trai có chung nội tạng nên khi chia đôi nội tạng, tôi cũng sẽ bị giảm tuổi thọ đi. Thật sự, tôi đã chống lại số phận, "chết đi sống lại" nhiều lần.

Những lúc nằm trên bàn mổ, anh nghĩ gì?

- Quá trình điều trị các biến chứng, các vấn đề sức khỏe kéo dài nhiều năm nên sự mệt mỏi là không tránh khỏi. Tôi đã lên bàn mổ hơn 10 lần từ sau năm 1988. Có những lần tôi chắp tay lên trán, ngạc nhiên về mình, thấy mình cũng "phi thường" đấy chứ (cười). Tôi gắng sống đến hôm nay để bù đắp cho những gì anh Việt không có được.

Nhắc đến anh trai rất nhiều, anh có còn nhớ lần cuối cùng anh Việt tỉnh táo chơi đùa cùng mình?

- Ngày nhỏ, anh em chúng tôi dính liền nhau, mọi sinh hoạt đều có nhau. Lúc anh Việt ngồi thì tôi nằm, ngược lại. Kỷ niệm cuối cùng trước khi anh Việt lên cơn sốt năm 1986, tôi không nhớ rõ vì khi ấy mới 5 tuổi, quá hồn nhiên, vô tư.

Hôm đó 2 anh em sinh hoạt như bình thường. Đến đêm, anh Việt sốt, co giật. Các bác sĩ vào làm các quy trình y tế, còn tôi không biết rằng đó là ngày định mệnh thay đổi hoàn toàn số phận anh em chúng tôi.

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 3

Khi lớn lên, đọc lại các bài báo về bước ngoặt định mệnh đó, anh cảm thấy thế nào?

- Tôi luôn đau đáu về anh Việt. Nhưng như tôi đã nói, lúc nhỏ tôi không biết gì nhiều, chỉ cảm nhận rằng những lời trò chuyện của tôi dành cho anh không được hồi đáp nữa, từ cảnh 2 anh em làm gì cũng có nhau, tôi xoay sở một mình.

Lớn lên, tôi nghe các bác sĩ kể lại rằng thời điểm đó, anh Việt bị bại não, nếu không gấp rút tách rời, tôi sẽ là người tiếp theo ra đi. Vì 2 cơ thể dính liền nên khi anh tôi bị bệnh, cơ thể tôi cũng sẽ có sự tương tác và ảnh hưởng. Ca mổ tách chúng tôi buộc phải diễn ra. 

Đến lúc nào anh mới nhận ra số phận nghiệt ngã của mình và anh trai?

- Là lúc anh trai tôi qua đời. Mất anh trai, tôi đau đớn và thức tỉnh. Tôi thấy mình không còn người thân nào bên cạnh.

Trước đây, tôi mong anh em tôi được đi lại, chạy nhảy bình thường, nhưng khi tách ra rồi tôi hiểu sẽ chỉ còn mình tôi được sống bình thường, còn anh đã nhường nhiều bộ phận trên cơ thể cho tôi. Anh sống thực vật, ai chăm sóc thì chăm sóc, ai tắm rửa thì tắm rửa. 

Anh Việt mất, được gửi ở một ngôi chùa tại quận 1. Thi thoảng tôi chạy xe vào chùa trò chuyện, thắp hương cho anh. Ngày giỗ của anh, tôi làm mâm cúng, mời anh về ăn bữa cơm, mong anh phù hộ cho tôi và gia đình.

Tôi mang ơn anh trai - người đã hy sinh cho tôi nhiều phần cơ thể, nhường tôi sự sống.

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 4
Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 5

"Tôi sợ Tết, sợ đêm giao thừa"

Xin lỗi, nhưng vì sao anh nói không còn người thân nào bên cạnh, trong khi vẫn còn cha mẹ...?

- Ngoài vấn đề khiếm khuyết cơ thể, tôi còn có nỗi đau về tình thân gia đình. Bố mẹ bỏ rơi anh em tôi khi chúng tôi vừa lọt lòng. Sinh ra, tôi đã không cảm nhận được tình thương từ bố mẹ.

Lúc tôi còn nhỏ, bác sĩ tìm bố mẹ, dẫn họ đến bệnh viện gặp chúng tôi. Tôi vẫn giữ liên lạc với bố mẹ từ xưa đến nay, nhưng tôi không có nhiều tình cảm.

Thừa nhận điều này, anh có ngại những ý kiến trái chiều?

- Nhiều người không hiểu nên nói tôi bất hiếu. Nhưng tôi nói thật, tôi không có cảm xúc thì làm sao được, chẳng lẽ tôi phải diễn?

Tôi nghĩ vì bố mẹ không dành cảm xúc cho tôi. Bố mẹ sinh ra tôi nhưng không nuôi lớn tôi, giữa tôi và bố mẹ không có sự thân thuộc, gần gũi.

Mẹ tôi ở TPHCM, bố tôi ở Lâm Đồng. Tôi vẫn sắp xếp để gặp bố mẹ, nhưng ngồi nói chuyện chỉ có người hỏi, người đáp, đơn giản vậy thôi.

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 6
Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 7

Nguồn sẻ chia nào đã bù đắp lại những thiếu thốn tinh thần thời thơ ấu của Nguyễn Đức?

- Chính là sự chăm sóc, nuôi dưỡng của các nhân viên, y bác sĩ tại làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Đặc biệt, tôi mang ơn má Phượng (Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người trực tiếp tham gia ca mổ năm 1988 - PV) rất nhiều. 

Nếu không có má Phượng thì không có Nguyễn Đức ngày hôm nay. Chính má phát hiện ra 2 đứa bé dễ thương, bế 2 bé từ Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội về Bệnh viện Từ Dũ ở TPHCM, chăm sóc chúng tôi từ nhỏ.

Sau ca mổ, má vẫn hỗ trợ, theo sát hành trình lớn lên của tôi. Nếu không có má và toàn thể cô chú y bác sĩ, những người bên cạnh tôi giúp tôi vượt qua nhiều cột mốc khó khăn, tôi sẽ không thể có đủ tự tin bước ra, đối diện với cuộc đời.

Anh thường đối diện ra sao với những góc tối trong cảm xúc của mình?

- Tôi tủi thân nhiều lắm. Thời thơ ấu, thấy bạn bè, mọi người xung quanh có gia đình hạnh phúc đủ đầy, tôi rất chạnh lòng. Sau này lớn lên, tôi có tổ ấm riêng, nhưng vẫn những cảm xúc mà tôi giấu kỹ trong lòng vẫn ở đó, không thể xóa đi.

Tôi rất sợ Tết. Mỗi lần đến đêm giao thừa, tôi giấu mình trong căn phòng, đóng cửa, không muốn nghe những âm thanh phía ngoài. Tôi không muốn nghĩ về điều gì. Đó là lúc tôi nhạy cảm nhất. Năm mới, nghe trẻ em hàng xóm chúc Tết ông bà tôi đau lòng lắm.

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 8

Vợ và các con san sẻ nỗi lòng với anh như thế nào?

- Cuộc đời tôi mất cái này, nhưng bù lại bằng những điều khác. Gia đình là động lực để tôi cố gắng. Các con là tài sản lớn nhất của tôi. Khi các con ngày một lớn lên, tôi cảm nhận các cháu hiểu được sự vất vả của cha mẹ nên nỗ lực phấn đấu.

Là người chồng, người cha trong nhà, tôi chỉ mong sao mình có đủ sức khỏe để nhìn thấy các con trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.

Nguyễn Đức nghĩ gì về định mệnh gắn kết anh và vợ?

- Tôi tin rằng con người có số phận, duyên số. Thời trước, nhiều người nghĩ rằng tôi "tán" vợ tôi, nhưng không phải, thực ra vợ mới là người chủ động trước. Chúng tôi tình cờ gặp trong một đám cưới, tôi là bạn của chú rể, vợ là bạn của cô dâu. Chuyện tình cảm giữa tôi và vợ là định mệnh sắp xếp. 

Vợ tôi xuất thân lao động, buôn bán ở chợ từ nhỏ, tính tình nhút nhát, ngại tiếp xúc với xã hội. Về chung nhà, chúng tôi dung hòa những điểm khác biệt để giữ hạnh phúc trọn vẹn. 

Hai cháu nhà tôi học trường công tại quận 3. Hằng ngày, tôi và vợ thay nhau đưa đón con. Khi tôi đi công tác, vợ lo hết cho con cái. Vợ tôi vất vả khi đảm nhận việc nội trợ trong nhà lẫn chăm mẹ vợ bị ung thư. Những lần tôi điều trị bệnh, cũng một tay vợ chăm sóc. 

Trailer phim "Dearest Viet" - Phim kỷ niệm 35 năm mổ tách song sinh Việt - Đức do đạo diễn Kohei Kawabata (Nhật Bản) thực hiện (Video: Kingyo Films).

"Người ta đồn tôi rất giàu có"

Ngày nay Nguyễn Đức được nhắc đến là người truyền cảm hứng, có sự nghiệp thành công, là tấm gương vươn lên trong cuộc sống. Anh đã nỗ lực ra sao?

- Lúc nhỏ, tôi điều trị vật lý trị liệu suốt 1 năm 6 tháng tại Bệnh viện Hyogo (TP Kobe). Tôi được học tiếng Nhật, học thể thao tại đây. Người Nhật cho tôi nhiều bài học về giáo dục, tư duy, cơ hội, truyền cho tôi cảm hứng về sự bền bỉ, kiên trì.

Tôi từng gặp các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945, gặp các nạn nhân của vụ động đất, sóng thần ở Tohoku năm 2011. Tiếp xúc với họ, tôi thấy mình vẫn còn may mắn. Dù khiếm khuyết nhưng tôi vẫn có thể đi lại, làm việc, sinh hoạt.

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 9
Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 10

Nhưng để bền bỉ, kiên trì vượt khó mà chỉ nói suông thôi thì không đủ. Ở hoàn cảnh của anh, anh làm thế nào?

- Bạn nghĩ xem, người có nhiều biến cố và nỗi đau như tôi mang mặc cảm nhiều lắm. Có nhiều giai đoạn khó khăn về vật chất, tinh thần, cú sốc, sức khỏe hạn chế, tôi vẫn gắng vượt qua. Tôi nghĩ người lành lặn cũng khó để nhẫn nại chịu đựng những thử thách này.

Lúc muốn buông xuôi, tôi chỉ nghĩ 2 điều. Một là tôi sống để bù đắp phần của anh trai quá cố. Hai là nếu gục ngã, người chịu hậu quả là chính mình mà thôi. Đó là cách tôi gạt bỏ sóng gió để hướng con đường thẳng về phía trước.

Những khó khăn vật chất anh nhắc đến là gì?

- Chi tiêu ở TPHCM đắt đỏ, hằng tháng nếu chỉ lãnh khoản tiền lương 7-8 triệu đồng là không đủ ăn nên tôi làm nhiều việc để có thu nhập nuôi vợ con, hỗ trợ mẹ ruột, mẹ vợ. 

Tôi có nhận trợ cấp khuyết tật, nhưng mỗi tháng vợ đi lãnh 780.000 đồng, số tiền này đi chợ 2 ngày là hết rồi. Vất vả thật nhưng tôi không muốn than vãn, so sánh. Tôi cứ ráng kiếm đủ ăn bằng sức lao động, tri thức của mình để lo được cho mình và gia đình. Quan trọng là có sức khỏe, không có sức khỏe thì kiếm tiền tỷ cũng không làm được gì.

Vậy mà trên mạng xã hội có những tin đồn nói anh... giàu?

- Tôi buồn khi đọc những thông tin không đúng về mình. Có những tin đồn phi lý như tôi... rất giàu có. Ngày xưa, tiền mừng cưới của tôi mua được mảnh đất nhỏ, rồi má Phượng cho một khoản tiền để xây nhà. Tôi chật vật mưu sinh, không phải như người ta nói.

Tôi không muốn nhắc đến vì cuộc sống mà, miệng đời là chuyện bình thường. Nhưng đôi lúc mức độ sai lệch thái quá khiến tôi khó chịu. Tôi cũng là con người, sức chịu đựng có giới hạn.

Tôi biết tôi không thể đứng ra thanh minh mãi nên tôi đối diện với tâm thế lạc quan, để những chuyện buồn phiền đến rồi đi tự nhiên.

Người còn sống trong ca phẫu thuật tách rời đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - 11

Phương châm sống hiện tại của Nguyễn Đức là gì?

- Trên đời này không ai toàn vẹn mọi thứ, mình cứ sống làm sao thấy "đủ" là được. Niềm vui của tôi cũng như mọi người, đó là được gặp nhiều người thú vị, có thêm kiến thức hay, có những thời gian thư giãn giá trị. Khi rảnh rỗi, tôi tập thể thao, đi gặp gỡ bạn bè. 

Đứng trước tương lai bất định, anh nghĩ gì?

- Tôi đã 44 tuổi, đi qua hơn nửa cuộc đời. Cuộc đời là vô thường, hôm nay tôi ngồi đây với bạn, ngày mai không biết như thế nào. Là người mang chất độc da cam, có nhiều bệnh nền, tôi không chắc chắn mình sẽ sống được đến 60-70 tuổi nhưng tôi luôn giữ sự lạc quan. 

Con người dù bệnh hay không bệnh thì tinh thần rất quan trọng. Nếu không vui vẻ thì bệnh sẽ càng bệnh, không bệnh cũng thành tâm bệnh. Phiền não để làm gì? Nếu xả được gì thì hãy xả hết ra, giải tỏa gì thì giải tỏa hết đi. Lúc đó chúng ta sẽ có năng lượng sống tích cực hơn. 

Một lời khuyên của anh dành cho thế hệ trẻ?

- Tôi thấy ngày nay nhiều bạn trẻ thường dễ nản chí mỗi lần thất bại trong học tập, công việc. Các bạn không giữ vững được tinh thần, có thể gặp những vấn đề tâm lý, trầm cảm. Tôi mong các bạn hãy nhìn vào những đứa trẻ mồ côi, mất cha mẹ nhưng vẫn cố gắng học tập, làm việc. Đó là những tấm gương để các bạn có động lực sống.

Cuộc sống này dù không hoàn hảo, ít ra vẫn được sống, vậy thì tội gì phải hành hạ mình. Hãy mạnh mẽ lên, sống cho những điều mình muốn, sống cho chính mình.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ!

Năm 1986, Việt lên cơn sốt, co giật. Sau thời gian điều trị, Việt mất tri giác, rơi vào hôn mê còn Đức vẫn tỉnh táo. Các bác sĩ quyết định mổ tách rời vì nếu không, Đức sẽ là người tiếp theo ra đi.

Ngày 4/10/1988 tại Bệnh viện Từ Dũ, ê-kíp gồm các bác sĩ Trần Đông A, Trần Thành Trai, Văn Tần, Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng nhiều bác sĩ khác đã mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức.

Vào thời điểm bấy giờ, đây là ca mổ tách trẻ dính liền thành công đầu tiên tại Việt Nam và là ca thứ 7 trên thế giới. Ca mổ tạo nên dấu ấn lớn trong lịch sử y học Việt, ghi danh vào sách kỷ lục Guinness. 

Sau ca mổ năm 1988, Việt sống đời thực vật 19 năm với sự chăm sóc của các y bác sĩ Làng Hòa Bình ở Bệnh viện Từ Dũ. Năm 2007, Việt qua đời do viêm phổi, suy thận.

Nguyễn Đức lớn lên lập gia đình, có 2 con gồm 1 trai, 1 gái. Hiện anh là Đại sứ hòa bình Việt Nam tại Nhật, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Nhật tại TPHCM, Giáo Sư trường Đại học Quốc Tế Hiroshima.

Anh còn sáng lập kiêm giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận NPO Duc Nihon - Vì một thế giới đẹp tươi, Giám đốc Tổ chức xúc tiến Thương Mại & Văn Hóa Việt Nam - Nhật Bản.

Gần đây, phim tài liệu Dearest Viet kể về cuộc đời Nguyễn Đức, ra mắt ở LHP Quốc tế TPHCM. Tác phẩm sẽ ra rạp tại Nhật Bản vào tháng 5.

Ảnh: Tư liệu, Nhân vật cung cấp