1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tổng giám đốc SJC: 12 năm thành thương hiệu quốc gia, SJC không có lợi ích

Nhật Quang

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của giá vàng thời gian qua, Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng khẳng định công ty không hưởng bất kỳ lợi ích nào từ chênh lệch giá vàng.

SJC không hưởng lợi ích từ chênh lệch giá vàng

Tại họp báo kinh tế xã hội TPHCM chiều 16/5, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chia sẻ về biến động giá vàng trong nước thời gian qua và giải thích lý do hạn chế lượng vàng miếng bán ra tại SJC.

Theo bà Hằng, kể từ năm 2012, SJC trở thành thương hiệu quốc gia và được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước. Kể từ đó, SJC không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, cũng như dập vàng miếng SJC, hiện chỉ được gia công vàng mót và kinh doanh vàng, bạc, đá quý đơn thuần. 

Tổng giám đốc SJC: 12 năm thành thương hiệu quốc gia, SJC không có lợi ích - 1

Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC tại họp báo kinh tế xã hội TPHCM chiều ngày 16/5 (Ảnh: Trọng Nhân).

Theo bà, các hoạt động gia công vàng miếng SJC đều được quản lý, giám sát bởi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.

Trong thời gian qua, giá vàng liên tục biến động, chênh lệch lớn với vàng thế giới. Bà Hằng khẳng định: "SJC cũng như Ngân hàng Nhà nước không nhận được lợi ích gì từ biến động giá vàng, chênh lệch giá vàng thế giới".

Tại họp báo, bà Hằng nhiều lần khẳng định rằng sau 12 năm trở thành thương hiệu quốc gia, SJC hoàn toàn không có lợi ích. SJC đã thể hiện đúng vai trò là một thương hiệu quốc gia, một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Những lúc thị trường biến động, giả sử tình trạng vàng giả, vàng nhái xuất hiện trên thị trường. 35 năm qua, công ty này luôn xuất hóa đơn đỏ, xuất hóa đơn tài chính cho dù một sản phẩm nhỏ nhất, đảm bảo tính minh bạch.

12 năm kể từ khi Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng được thực thi, Tổng giám đốc SJC nhận định đây thể hiện sự thành công của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về chống vàng hóa nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, hơn 12 năm qua, việc không dập thêm vàng miếng SJC dẫn đến việc cầu tăng nhiều hơn cung, dẫn đến áp lực cung - cầu thị trường. 

Về lượng vàng trúng thầu thành công, SJC sau đó đã bán ngay lập tức cho người dân. Đối với loại hình kinh doanh vàng, khi mua vào phải bán ngay, nếu sau một đêm hay một ngày mới bán ra, giá sẽ chênh và doanh nghiệp sẽ bị lỗ. SJC cho biết sẽ tiếp tục tham gia các phiên đấu thầu tiếp theo. 

Loạt giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng

Ở góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết giá vàng biến động trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới.

Sự xung đột địa chính trị quốc tế khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới gom mua vàng, đẩy giá vàng lên cao. Từ đó, giá vàng trong nước bị tác động từ giá vàng thế giới.

Tổng giám đốc SJC: 12 năm thành thương hiệu quốc gia, SJC không có lợi ích - 2

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM (Ảnh: Trọng Nhân).

Bên cạnh đó, vàng cũng được coi là một kênh đầu tư tài chính được ưa chuộng hơn một số loại hình đầu tư khác trong thời gian qua. Nhà đầu tư có xu hướng mua vàng, từ đó gây áp lực lên cung - cầu, đẩy giá vàng lên cao.

Trước biến động giá vàng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực thi các chỉ đạo của Chính phủ trong đó có hoạt động tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC. 

Đánh giá về hoạt động đấu thầu, ông Lệnh cho rằng đây là giải pháp nghiệp vụ của ngân hàng trung ương nhằm tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường, góp phần đảm bảo ổn định thị trường. Ngoài ra, hoạt động này nhằm mục đích phát ra tín hiệu định hướng điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường vàng, không gây tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Về giải pháp trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quan sát, đánh giá toàn diện diễn biến thị trường vàng, từ đó có cơ sở điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế tại Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Theo ông Lệnh, bất kỳ cơ chế chính sách nào cũng vậy, sau một thời gian dài áp dụng, cần có những chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. 

Về nhóm giải pháp trước mắt có 3 nhóm giải pháp. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng, tác động tới nguồn cung, ổn định thị trường. 

Tiếp đó, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ nâng cao công tác quản lý, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các cơ sở kinh doanh vàng thực thi đúng theo quy định pháp luật, đảm bảo tính công khai minh bạch.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh kiểm tra việc xuất hóa đơn, chứng từ kế toán đúng theo quy định của Bộ Tài chính, triển khai đồng bộ xuất hóa đơn điện tử, đảm bảo giao dịch công khai, minh bạch.